Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa nhận định có thể ổ dịch ở bệnh viện Phụ sản Trung ương đã qua 2 đến 3 chu kỳ, nguy cơ lây lan dịch trong toàn viện rất dễ xảy ra.
Cuối giờ chiều 3.12, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa và các phòng chức năng của Cục có cuộc làm việc trực tuyến với Bệnh viện Phụ sản Trung ương liên quan công tác xử lý ổ dịch vừa phát hiện tại đây.
Theo báo cáo của bệnh viện, 8 giờ ngày 1.12, qua sàng lọc đo thân nhiệt hằng ngày, cán bộ y tế phát hiện 2 bệnh nhân tại phòng 502, Khoa Sản bệnh lý, tòa nhà BC bị sốt và ho. Kết quả test nhanh của hai bệnh nhân này dương tính. Bệnh viện tiếp tục lấy mẫu test nhanh cho các trường hợp còn lại ở buồng bệnh này phát hiện 15 ca dương tính.
Sau đó, bệnh viện tiến hành lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR trong ngày 1.12 và 22 ca có kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. Đến ngày 3.12, tổng số mẫu xét nghiệm đã thực hiện là 2.081 (gồm nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân và bệnh nhân), qua đó phát hiện 25 ca dương tính với SARS-CoV-2 (trong đó có 1 nữ bác sĩ nội trú) ở tầng 4 và 5 (đều thuộc Khoa Sản bệnh lý).
Tất cả các F0 đã được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và cơ sở điều trị người bệnh COVID-19 tại Hoàng Mai của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Tòa nhà BC gồm 11 tầng của bệnh viện đã được phong tỏa, đặc biệt là tầng 4 và 5, khử khuẩn toàn bộ. Kết quả truy vết có 260 người liên quan, trong đó có 87 trường hợp F1 (gồm 39 nhân viên y tế đang ở viện và 10 nhân viên đang ở nhà).
Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa đề nghị bệnh viện khi đã thực hiện phong tỏa toà nhà BC, cần tuân thủ nghiêm “ai ở đâu, ở yên đấy”. Tuyệt đối không giao lưu giữa các khoa, phòng với nhau. Ngoài tòa nhà BC, các bộ phận khác trong bệnh viện cần phân luồng người bệnh tới khám chặt chẽ, kiểm soát vấn đề thăm nuôi. Tất cả trường hợp có triệu chứng phải lấy mẫu xét nghiệm ngay.
Từ ca chỉ điểm đầu tiên và phát hiện “ổ dịch” với 25 ca mắc, theo nhận định của TS Khoa, có thể ổ dịch ở bệnh viện này đã qua 2 đến 3 chu kỳ, nguy cơ lây lan dịch trong toàn viện rất dễ xảy ra. Do đó, việc xét nghiệm càng phải đẩy nhanh, ít nhất 3 ngày phải làm một lần để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, nếu có khả năng thì viện có thể làm hàng ngày.
Ngoài ra, bệnh viện cần rà soát người bệnh điều trị tại viện chưa được tiêm vắc xin để có phương án bảo vệ tối đa bởi đây là nhóm người dễ bị tăng nặng nếu mắc COVID-19.
Về vấn đề bảo đảm dinh dưỡng cho bệnh nhân, những người trong khu phong toả toà nhà BC, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị phải đảm bảo. Đặc biệt, bệnh viện cần có phương án nhân lực thay thế trong tình huống có thêm các nhân viên y tế mắc COVID-19.
Thu Anh – Theo Một Thế Giới