Lễ trao giải cuộc thi “Sống Đẹp” mùa 3: Kinh tế khó khăn tình người vẫn ấm

Sáng 28-12, tại tòa soạn Báo Thanh Niên đã diễn ra lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Sống Đẹp” lần 3 với chủ đề “Trái tim yêu – Bàn tay ấm”.

Buổi lễ có sự tham gia của các tác giả đoạt giải, những nhân vật nổi bật với hoạt động thiện nguyện và ban giám khảo gồm nhiều cái tên quen thuộc như đạo diễn Võ Thanh Hòa, diễn viên Hòa Hiệp và nhà thơ Lê Minh Quốc…

Ngày hội của những trái tim vì cộng đồng

 Khán giả có dịp giao lưu cùng anh Chung Chí Thành (Tác giả đạt giải Nhất hạng mục Phóng sự, Ký sự, Ghi chép), chị Trần Thị Diệp (Tác giả đạt giải Nhất hạng mục Truyện ngắn) và anh Nguyễn Mạnh Cường (Tác giả đạt giải Nhất hạng mục Album ảnh).

Đặc biệt, các nhân vật truyền cảm hứng trong cuộc thi cũng trực tiếp góp mặt và trò chuyện cùng khán giả. Câu chuyện về anh Lê Trung Cường, một nhà văn khiếm thị và người thầy của nhiều em nhỏ khuyết tật, câu chuyện chị Lê Thanh Nga cùng nhóm bác sĩ thiện nguyện xây “Khu lưu trú 0 đồng” cho bệnh nhân hay hành trình trồng 60.000 cây xanh của anh Sùng A Cải khiến không ít khán giả xúc động.

ác tác giả đoạt giải nhất và nhà thơ Lê Minh Quốc (giữa), đại diện Ban giám khảo giao lưu với khán giả
ĐÀO NGỌC THẠCH

Dịp này, tuyển tập sách “Trái tim yêu – Bàn tay ấm” cũng được ra mắt với 72 bài viết chất lượng của các tác giả, bao gồm 42 phóng sự, ký sự và 30 truyện ngắn tiêu biểu. Mỗi câu chuyện mang đến một cung bậc cảm xúc khác nhau nơi độc giả, từ trân trọng, tin yêu đến cảm động, ngưỡng mộ trước những cá nhân bình thường nhưng đang tạo nên điều phi thường giữa cuộc sống.

Cũng tại sự kiện, Báo Thanh Niên chính thức phát động cuộc thi “Sống Đẹp” lần 4, tiếp tục nối dài hành trình lan tỏa điều tử tế sau 3 năm tổ chức vô cùng thành công. Cuộc thi lần 4 dự kiến sẽ mang đến nhiều thay đổi trong thể lệ, cơ cấu giải thưởng và cách thức tổ chức nhằm tăng sức hấp dẫn cho sân chơi lần này.

Kinh tế khó khăn tình người vẫn ấm

Tại buổi lễ, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn – Tổng biên tập Báo Thanh Niên đã có bài phát biểu xúc động, tổng kết và ghi nhận đầy đủ tinh thần của cuộc thi “Sống Đẹp” lần 3, với nguyên văn:

Thưa quý vị,

Mặc dù thời gian qua, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng với sự đồng hành của các thương hiệu mạnh như: Thiện Hạnh, Tôn Đông Á, Meliwa Việt Nam và đặc biệt là cá nhân ông Lê Văn Lực, cuộc thi Sống đẹp đã đi qua 3 mùa đầy cảm xúc với những trang viết, hình ảnh, video rất sống động, chân thực từ đời sống thực tế làm lay động lòng người. Cuộc thi năm nay có tổng số bài dự thi là 695 bài, trong đó có 90 bài viết và bài dự thi ảnh xuất sắc được chọn vào vòng chấm chung khảo, từ đó tìm ra được 29 bài dự thi đoạt giải ở các hạng mục. Ngoài ra, Ban tổ chức và Ban giám khảo cũng đã chọn ra 72 bài dự thi nổi bật của cuộc thi Sống đẹp mùa 3 để xuất bản tuyển tập sách Trái tim yêu, bàn tay ấm.

Nhà văn Trần Nhã Thụy (phải) dành phần thưởng 10 triệu đồng (tác giả có bài viết về doanh nhân Sống đẹp – nhà thơ Lâm Xuân Thi) tặng chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên

Ngọn lửa Sống đẹp nồng đượm cứ lặng lẽ tỏa sáng tùy vào điều kiện, hoàn cảnh, không phân biệt tuổi tác, vùng miền…, nơi nào cũng chứa đầy tình yêu thương đến với cộng đồng, âm thầm mang trái tim yêu và vòng tay nhân ái sưởi ấm những mảnh đời kém may mắn, bất hạnh.

Đó là câu chuyện của những con người dù nghèo khó vẫn dành trọn đồng tiền dành dụm mở quán cơm chay, gieo mầm phước đức như cư sĩ Vũ Quốc Cường (thường được gọi là “Cường béo” ở phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) trong bài viết Sao băng đã rớt, ngọn lửa vẫn rực của tác giả Lữ Khách (Thanh Niên ngày 18.9.2023). Dù nhà chẳng có tiền làm cửa nẻo, nằm hun hút trong một con hẻm không thể tránh được nhau, vậy mà mỗi ngày từ 10 giờ 30 sáng, chủ nhân quán cơm “đệ nhất từ thiện” trong áo tràng lam bạc màu đã khoan thai ngồi đợi khách. Rồi đại dịch Covid – 19 quét qua, anh “Cường béo” không may qua đời. Thực hiện tâm nguyện của chồng để lại, bếp cơm từ thiện của mẹ con chị Tuyết Lan vẫn tiếp tục đỏ lửa. Giữa thời buổi “cơm áo không đùa” như hiện nay, để duy trì được quán cơm từ thiện này, nhiều bữa chị Lan phải mua nợ dầu ăn, rau củ, còn gạo thì trả theo kiểu “gối đầu”; còn đợt nào thiếu tiền quá thì chị phải đi làm thêm để kiếm tiền đi chợ…

Ông Nguyễn Thanh Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tôn Đông Á (trái) và Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn (phải) trao giải cho các tác giả
ĐÀO NGỌC THẠCH

Hay nhân vật Nguyễn Ngọc Ánh trong bài viết “Cô gái vàng” trong làng nhặt rác của tác giả Đặng Hoàng An (Thanh Niên ngày 5.8.2023) cũng khiến người đọc cảm động và ngưỡng mộ. Đến Vũng Tàu, nhìn biển cả xanh bao la nhưng trên bờ nhiều nơi vẫn còn rác, tự dưng bao câu hỏi trong đầu Ánh bỗng xuất hiện: “Tại sao mọi người vứt rác nhiều như vậy?”, “Tại sao những thế hệ sau phải gánh chịu hậu quả thay mình?”… Từ đó cô chấp nhận “đi ngược dòng”, bỏ hẳn công việc có thu nhập ổn định tại công ty phần mềm danh tiếng tại TP.HCM để sáng lập ra tổ chức thiện nguyện Xanh Việt Nam, dành hết thời gian và tâm trí cho việc nhặt rác – làm sạch Việt Nam. Thậm chí có người như ông Đinh Minh Nhật (thôn I, xã Ia H’Lốp, huyện Chư Sê, Gia Lai) làm phúc quên cả phận mình như chính tiêu đề bài viết của tác giả Ngọc Tấn (Thanh Niên 1.7.2023). Mặc dù mang trong người căn bệnh u não và phải đi lại chữa trị nhiều lần cũng như tuổi tác không còn trẻ, nhưng quên đi bệnh tật đau đớn, ông Nhật vẫn thầm lặng đón nhận những đứa trẻ không nơi nương tựa hoặc bị bỏ rơi vì lệ tục buôn làng mang về nhà nuôi. Và gần 18 năm, hơn 120 mảnh đời côi cút đã được ông và các cộng sự chăm sóc như những đứa con của mình.

Vâng, có thể đời sống ngoài kia đang từng ngày hối hả, mọi người tất bật xoay vòng trong cuộc mưu sinh “cơm áo gạo tiền”, nhưng không thể ngăn những lòng nhân, mầm thiện cứ âm thầm nảy nở và lan tỏa. Ca dao xưa có câu: “Dẫu xây chín bậc phù đồ/Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người”, nếu chúng ta cùng nhau chung tay làm được nhiều việc tốt thì xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, để cho Trái tim yêu, bàn tay ấm từ Sống đẹp tiếp tục lan tỏa giá trị nhân văn của người Việt Nam: “Thương người như thể thương thân”.

Thưa quý vị,

“Đi qua dòng chảy khắc nghiệt muôn màu của cuộc sống, nếu biết lắng nghe, quan sát, hẳn chúng ta sẽ tìm thấy những điều tốt sâu lắng, từ những con người bình dị lẫn lộn trong thập loại chúng sinh khi có Trái tim yêu, bàn tay ấm. Trái tim nhân ái biết yêu lấy những số phận kém may mắn và sẵn sàng đưa đôi bàn tay ấm nâng đỡ bao con người sa cơ thất thế trong sự yêu thương đồng cảm. Để rồi, có những điều tưởng chừng rất bình dị trong cuộc đời này: như nắng, như mưa, như cây, như cỏ, nhưng nếu chú ý đến, chúng ta sẽ thấy một vẻ đẹp hết sức lạ lùng”.Tôi xin mượn lời của nhà thơ Lê Minh Quốc – thành viên Ban giám khảo, để kết thúc bài phát biểu này và xin chúc mừng các tác giả đã đoạt giải của cuộc thi.

SƠN BÌNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *