Hơn 100 sinh viên Trường trung cấp Việt Giao đã hào hứng giao lưu cùng Hoa hậu Thế giới người Việt Lưu Thị Diễm Hương và học nấu phở cùng bốn đầu bếp đoạt giải Hoa Hồi Vàng cuộc thi “Đi tìm người nấu Phở ngon 2020”.
Trưa 29-1-2021, tại Trường trung cấp Việt Giao, Quận 10, TP.HCM, hơn 100 sinh viên Khoa Quản trị bếp ẩm thực của trường đã tham dự buổi giao lưuvà học nấu phở với Hoa hậu Thế giới Người Việt Lưu Thị Diễm Hương và bốn đầu bếp đoạt giải Hoa Hồi Vàng cuộc thi “Đi tìm người nấu Phở ngon 2020” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức. Tại đây, bốn Hoa Hồi Vàng – Nguyễn Thị Khánh Thủy, Lê Đức Huy, Nguyễn Tiến Đức, Phạm Hồng Tân đã nhiệt tình chia sẻ tình yêu phở, kinh nghiệm nấu phở ngon của mình đến các bạn trẻ, cũng như nhận được rất nhiều câu hỏi từ các sinh viên.
Đầu bếp Nguyễn Tiến Đức của thương hiệu Phở Nhà đã gây ấn tượng với các bạn sinh viên khi cho biết anh có ba quán phở, mỗi ngày bán ra khoảng 1.000 tô, doanh thu một tháng hơn 1 tỉ đồng, tiền lời trên trăm triệu. Tiến Đức đã nhận được câu hỏi nấu phở kinh doanh có khác với nấu phở để ăn ở nhà hay không, làm sao nấu được phở bán có lời. Tiến Đức cho biết để nấu phở bán anh phải nấu phở tiêu chuẩn, tức hầm xương bò từ 12-16 tiếng và phải chọn loại thịt bò tươi ngon để nấu.
Hoa hồi vàng Lê Đức Huy cũng gây ấn tượng khi cho biết anh là người kiểm định suất ăn của một bếp ăn cho một công ty nước ngoài có đến cả ngàn công nhân. Anh đi thi nấu phở vì tình yêu phở. Đức Huy đã trả lời câu hỏi làm sao để có thể nấu được phở ngon. Theo anh, người Trung Quốc nấu ăn rất ngon nhưng không thể nấu được món phở ra hương vị của người Việt, ngon như phở Việt. Phở được bán khắp thế giới nhưng người nước ngoài cũng không thể nấu ra được vị phở của người Việt. Bởi muốn nấu phở ngon, theo Hoa Hồi Vàng Đức Huy, phải hiểu phở, yêu phở, nhận biết được cái hồn của phở, biết phở bắt nguồn từ con bò, hiểu được cái hồn của thịt bò ở từng con bò khi nấu phở. Và bởi phở còn là nét tính cách năng động, sáng tạo của người Việt.
Theo Đức Huy, phở xuất phát từ cách ăn thịt bò của người Pháp ở thế kỷ 19-20, khi họ đô hộ Việt Nam. Là người phương Tây giàu có, người Pháp thích ăn thịt bò và chỉ ăn những phần thịt ngon, thịt mềm. Họ đem đến Việt Nam cách dùng xương bò hầm để lấy nước dùng. Người Việt học cách nấu nước lèo từ xương bò này, tận dụng thêm những phần thịt cứng như gầu, gân vốn là những bộ phận cứng ở con bò người Pháp chê không ăn để sáng tạo nên món phở. Món phở Việt ngon còn do sự kết hợp giữa nước hầm xương bò với những gia vị nấu phở như hoa hồi, quế, thảo quả, gừng, củ hành… Mà gia vị Việt thì lại có một hương vị đặc biệt, thơm tinh tế các gia vị cùng loại ở nơi khác không sánh được.
Hoa hồi vàng Phạm Hồng Tân cũng gây chú ý khi xuất thân từ một gia đình có hơn 20 năm bán thịt bò. Anh chia sẻ cách chọn thịt ngon, phù hợp để nấu được phở ngon. Trả lời câu hỏi nên chọn lại xương nào khi nấu phở bán, Hồng Tân cho rằng nên nấu phở bán bằng tất cả các loại xương bò. Vì như vậy vừa tiết kiệm, vừa ngọt nước, đậm vị, người ăn như được cả một con bò trong tô phở của mình.
Đầu bếp Nguyễn Thị Khánh Thủy – một bà nội trợ đoạt giải Hoa Hồi Vàng về nấu phở, chia sẻ bí quyết chiến thắng của chị là ngoài tự tin mình nấu phở ngon còn phải trình bày đẹp, phong cách, thuyết minh ấn tượng. Bởi theo chị Khánh Thủy, mình nấu phở ngon, thí sinh khác cũng nấu phở ngon, nên mình phải tạo ấn tượng bằng phong cách, phong thái.
Thầy Trần Thanh Liêm – trưởng Khoa Du lịch Trường trung cấp Việt Giao, cho biết thầy rất thích phở, từ nhỏ ăn đã ăn nhiều quán phở nổi tiếng ở Sài Gòn. Đến nay thầy đã ăn phở ngon khắp nhiều miền của đất nước. Thầy Liêm nghiệm ra rằng, ăn phở không nên ăn vội vã, mà cần phải có sự thưởng thức hương vị của tô phở. Tham gia buổi giao lưu, thầy Liêm nói bản thân được biết thêm nhiều điều thú vị về phở và cách nấu phở.
Nhận được nhiều sự hâm mộ của các bạn sinh viên tại buổi giao lưu, hoa hậu Diễm Hương nói rằng bản thân rất tự hào là đại sứ của sự kiện “Ngày của Phở” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức. Tham gia buổi giao lưu, Diễm Hương muốn lan tỏa tình yêu phở đến các bạn sinh viên, cũng là tình yêu và sự tự hào về tinh hoa ẩm thực của dân tộc. Diễm Hương mong sẽ có nhiều bạn trẻ trong buổi giao lưu sau này sẽ có cơ hội kinh doanh về phở, mang món phở đi xa hơn, lan xa hơn trong nền du lịch, ẩm thực trên thế giới.
Đại diện Ban tổ chức sự kiện “Ngày của Phở” của Báo Tuổi Trẻ, bà Minh Huỳnh cho biết: Buổi giao lưu được tổ chức nhằm mang đến cho các bạn sinh viên của trường kiến thức – lịch sử về phở, bí quyết nấu phở ngon, bí quyết kinh doanh phở trong nghề nghiệp đang học, đồng thời giúp các bạn có thể nấu một nồi phở ngon cho gia đình trong những ngày Tết đang đến thật gần.
MINH ANH