Ngày 10/8, Báo Tuổi Trẻ, với sự đồng hành của Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC, tổ chức toạ đàm Tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm mùa hè & Gala tổng kết trao giải “Tiêm ngừa – Chuyện chưa kể”, tại khách sạn Sheraton Sài Gòn.
Tham dự sự kiện có các chuyên gia uy tín, bác sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực, như: Tiến Sĩ Nguyễn Hoàng Tùng – Phó Viện trưởng – Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế, TS-BS Phạm Quang Thái – phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương; Th.S. BS Lê Hồng Nga – phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM; BS CKII Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, BS Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, BS CKI Bạch Thị Chính – giám đốc y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC…
Bên cạnh đó là sự kiện cũng có sự tham dự của những nghệ sĩ nổi tiếng như nghệ sĩ Thanh Bạch, diễn viên Ngọc Lan, á hậu Dương Cẩm Linh, các ca sĩ: Hà Vân, Kyo York, Hoàng Luân, Quách Beem, Lê Thu Hiền, Doãn Mãnh; các MC Vũ Mạnh Cường, Đỗ Phương Thảo…, cùng đông đảo những tác giả đoạt giải cuộc thi “Tiêm ngừa – Chuyện chưa kể”.
Vacxin là sự thiết yếu cho sức khỏe trẻ em và đời sống con người
Tại tọa đàm, các chuyên gia khẳng định nhờ có vắc xin, hàng triệu trẻ em không bị tử vong do bệnh truyền nhiễm, người được tiêm chủng không bị mắc bệnh hay di chứng do dịch bệnh gây ra. Việc bảo quản vắc xin là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và hiệu quả của vắc xin cũng như quy trình tiêm chủng. Việc lưu trữ và vận chuyển đúng quy trình sẽ bảo vệ trọn vẹn chất lượng vacxin, đảm bảo sự an toàn và hiệu quả tối đa cho người được tiêm.
Tại đây, á hậu hậu Dương Cẩm Linh, với tư cách người mẹ có con nhỏ, đã đưa nhiều câu hỏi về việc có nên cho con nhỏ bị trễ tiêm những mũi phòng các bệnh cơ bản đi tiêm nhắc hay không. Bác sĩ Trương Hữu Khanh đã trả lời cô rằng rất nên cho trễ bị trễ các mũi tiêm cơ bản đi tiêm bổ sung. Diễn viên Ngọc Lan cũng bày tỏ sự lo lắng và mong muốn mau chóng có vacxin tiêm ngừa bệnh tay chân miệng vì hiện nay nó rất nguy hiểm cho trẻ. Mong muốn của cô đã được các chuyên gia ghi nhận và hứa sẽ nhanh chóng tìm nguồn vacxin này sớm nhất.
Theo các chuyên gia, một trong các loại bệnh nguy hiểm và phức tạp là bệnh truyền nhiễm. Đây cũng là một trong những vấn đề trọng tâm của nhiều ban ngành cần phải giải quyết. Các chuyên gia cũng đã đề cập các vấn đề:Trong mùa hè này và mùa học sinh tựu trường sắp tới, trẻ em và phụ huynh cần trang bị các thông tin kiến thức gì để đảm bào tốt nhất cho sức khoẻ của con. Cần lưu ý những bệnh lý phổ biến nào và đặc điểm, điều trị và cách phòng tránh. Bởi mỗi năm có tới trên 1,5 triệu trẻ chào đời và tất cả đều cần tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm, bảo vệ sức khỏe trong tương lai.
Những nỗi đau cần san sẻ ở những câu chuyện tiêm vacxin
Hướng đến việc tuyên truyền, định hướng xã hội trong việc nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là công tác tăng cường phòng chống bệnh tật, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, Báo Tuổi Trẻ, với sự đồng hành của Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC, tổ chức Cuộc thi viết “Tiêm ngừa – Chuyện chưa kể” trong 2 tháng qua. Thông qua 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Ban Giám Khảo đã chọn được 147 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải trong Gala tổng kết cuộc thi vào tối 10-8.
Kết quả sau cùng: Hai bài viết “Con tôi sẽ không còn phải “nếu” và “giá như”” của tác giả Nguyễn Thị Sa Ri, và “Có những nỗi đau không thể chữa lành” của tác giả Lê Hạ Đoan đã được trao giải đặc biệt – giải cao nhất cuộc thi với 30 triệu đồng mỗi giải Có 10 bài viết đoạt giải nhất, mỗi giải 10 triệu đồng. 15 bài viết được trao giải nhì, mỗi giải 5 triệu đồng. 20 bài viết đoạt giải ba, mỗi giải 3 triệu đồng. Và có 100 bài viết đoạt giải khuyến khích, mỗi giải 2 triệu đồng. Cuộc thi có tổng giải thưởng hơn500 triệu đồng.
Nhà báo Lê Xuân Trung – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ và bác sĩ Bạch Thị Chính – giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC đã đại diện ban tổ chức cuộc thi gửi lời chúc mừng đến các thí sinh và phát biểu cùng một ý: Những bài viết được trao giải đã trở thành những thông điệp lan tỏa đến nhiều người dân, giúp mọi người hiểu hơn về giá trị của vắc xin và tiêm chủng. Từ đó, tiêm ngừa để bảo vệ sức khỏe của bản thân, đồng thời nâng cao miễn dịch trong cộng đồng.
Mỗi bài viết gửi đến cuộc thi là một câu chuyện cảm động, một kỷ niệm vui – buồn, một hành trình thay đổi nhận thức với việc nghiệm ra “tiêm vắc xin cần thiết, quan trọng như thế nào trong việc bảo vệ sức khỏe. Trong đó, có không ít bài viết đã lấy nước mắt của người đọc bởi các tác giả đã kể ra những nỗi đau chính bản thân mình, con cái mình đã trở thành người khuyết tật, bị liệt tay chân, bị khiếm thính… như thế nào khi không được tiêm vacxin phòng ngừa bệnh bại liệt, bệnh viêm não… Thậm chí có tác giả đã xé lòng chia sẻ câu chuyện mình đã mất con như thế nào khi không tiêm ngừa vacxin đầy đủ cho bé…
Tất cả câu chuyện vui – buồn đã được các tác giả nói ra chỉ với mong muốn đây là một cơ hội chữa lành cho chính mình và cũng là lời chúc lành cho người khác: Đừng để vì lơ là tiêm vacxin mà để lại điều hối tiếc cho bản thân và người thân. Đây hẳn cũng là mục đích của cuộc thi thi viết “Tiêm ngừa – Chuyện chưa kể”.
BÌNH MINH