Qua bốn lần dàn dựng, xem ra mắt Cơn mê cuối cùng lần này có những nhà báo và khán giả kỳ cựu từng xem vở đủ bốn lần, gần như thuộc làu chi tiết kịch, nhưng nước mắt người xem vẫn cứ ào ào tuôn rơi…
Ngày 12-9-2024, Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh đã cho ra mắt vở diễn Cơn mê cuối cùng từ kịch bản của cố nhà văn Ngọc Linh và bản dựng lần thứ tư của nghệ sĩ Ái Như. Lại một lần nữa sự tinh tế, tài năng của đạo diễn, và sự nhân văn của kịch bản đã lấy nước mắt người xem.
Bi kịch của những người tốt
Cơn mê cuối cùng đong đầy tiếng cười dễ chịu, dễ thương bởi sự khùng khịu ngô nghê mà tốt bụng, tình cảm, chân thành của nhân vật Út Hơn do nghệ sĩ Thành Hội thủ diễn. Vở có tiếng cười dân dã sảng khoái từ cái sự tréo nghoe bổng chảng của đôi vợ chồng đẻ nhiều Nữa và Thôi do Lương Duyên, Thái Quốc đóng. Vở có sự trong trẻo, tươi sáng đến từ sự hiền lành, mộc mạc trong tình yêu trong veo của Mận và Dũng do Tuyết Thu và Đoàn Minh Tài diễn. Vở có sự ngọt ngào từ tình cảm vợ chồng yêu thương, chăm sóc nhau ý tứ của bà Hai Khương và ông Hai Khương do nghệ sĩ Ái Như và Trí Quang vào vai.
Song, ấn tượng nhất ở Cơn mê cuối cùng lại là bi kịch đau đớn của những nhân vật chính, mà đau đớn đến tận cùng, họ lại đều là những con người tốt. Trong kịch, người xem xót xa khi thấy Ông Hai Khương thương vợ nhưng dằn hắt vợ vì mặc cảm tội lỗi. Bà Hai Khương thương em nhưng dằn hắt Út Hơn vì mặc cảm có tội với chồng con. Dũng thương Mận nhưng dằn hắt Mận vì oán giận Mận phụ bạc… Bi kịch bức bí này bị đẩy lên đỉnh điểm khi nhân vật tốt nhất, hy sinh nhất vở kịch là bà Hai Khương – một người chị yêu thương, nuôi nấng đứa em khờ khạo từ nhỏ tới trung niên, một người vợ, người mẹ yêu thương, hy sinh tất cả vì chồng con, một người phụ nữ tốt bụng cưu mang đứa bé gái mồ côi nuôi trong nhà cho tới lớn … cuối cùng chết trong đau khổ…
Đến đây, câu hỏi bức thiết đặt ra cho người xem là tại sao và phải làm sao để giải quyết những bi kịch, những tức tưởi của các nhân vật, của câu chuyện đời trong vở kịch…
Yêu thương – tha thứ sẽ xóa hết nỗi đau?
Trong Cơn mê cuối cùng, tác giả Ngọc Linh đã để cho người được ca ngợi là tốt nhất, có nhiều công đức nhất câu chuyện vì say rượu, mất ý thức mà phạm một tội lỗi đẩy tất cả những người thân quanh mình vào bi kịch. Bởi tội lỗi của ông đã bị trút lên đầu đứa em vô tội do dư luận hiểu lầm mà ông không hề lên tiếng đính chánh hay thừa nhận tội lỗi đã làm. Đạo diễn Ái Như đã mở nút thắt cho Cơn mê cuối cùng, đem đến ánh sáng cho vở kịch, đem lại sự giải thoát cho bị kịch của các nhân vật khi để tất cả các nhân vật tha thứ và vun đắp cho nhau.
Sự lựa chọn của nghệ sĩ Ái Như đem lại niềm vui, sự nhẹ nhàng, yêu thương tràn đầy trong lòng người xem bởi tính nhân văn và tình người. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là trong cuộc đời thực này, đó có phải là cách giải quyết đúng nhất ? Và làm sao để bi kịch đừng xảy ra thảm khốc như thế, liên lụy nhiều người vô tội như thế? Để trả lời hai câu hỏi này, thì nhân vật chính đã tạo nên bi kịch phải dũng cảm thừa nhận tội lỗi ngay từ đầu thì những cái tốt của ông sẽ còn lại mãi, tội lỗi ngoài ý muốn của ông sẽ chỉ là đúng một vết hoen sẽ mờ dần theo năm tháng dù ông có được tha thứ hay không.
Không để ông thừa nhận tội lỗi, ông sẽ mãi không bao giờ còn có thể là một người tốt, vết hoen sẽ không mờ dần mà độ đậm đặc của nó sẽ loang dần làm hoen ố cả cuộc đời làm người tốt của ông. Bởi không thừa nhận tội lỗi, tất cả những người thân quanh ông suốt đời đều phải mang vác sự im lặng oan khiên. Không để nhân vật gây tội thừa nhận tội lỗi, nhân vật người tốt, vị Thành hoàng sống của người dân Cù Lao trong kịch sẽ trở thành người xấu, lừa dối, không còn xứng đáng với dân cù lao nữa. Bởi một vị Thành Hoàng thật sự là người tốt dù có điểm không hoàn hảo thì có thể chấp nhận, còn một vị Thành Hoàng gian dối để che đậy tội lỗi mãi là vị Thành Hoàng khó thể chấp nhận.
Được biết, Cơn mê cuối cùng từng được nghệ sĩ Ái Như dàn dựng trên sân khấu KỊch Tao Đàn vào năm 1998, dàn dựng ở kịch IDECAF vào năm 2003, dàn dựng ở Kịch Hoàng Thái Thanh vào năm 2012 với tên Tục lụy. Lần dựng nào của chị vở diễn cũng thành công và lưu lại dấu ấn. Riêng với lần dàn dựng này của nghệ sĩ Ái Như cùng với phó đạo diễn Nguyễn Công Hiển, vở gây ấn tượng với nét mới là ánh sáng đẹp, bắt mắt, tạo được cảm xúc và sự lôi cuốn cho người xem. Với tài năng và sự nhuần nhuyễn của Ái Như, vở diễn tinh tế như khuôn đúc từng chi tiết đến từng nhân vật. Bên cạnh sự diễn xuất bậc thầy của hai nghệ sĩ Ái Như và Thành Hội lấy nước mắt như mưa và tiếng cười sảng khoái của khán giả, các nghệ sĩ Tuyết Thu, Trí Quang, Lương Duyên, Đoàn Minh Tài, Thái Quốc, Romando đều sắc nét và sáng sân khấu trong nhân vật của mình. Riêng Trí Quang, với vai ông Hai Khương, nét rắn rỏi, nam tính của loại nhân vật kép chính trên sân khấu của anh càng thêm đậm, chắc. Đây là một nhân tố đáng quý, bởi sự nam tính, rắn rỏi ở dạng kép chính trên sân khấu đang ngày càng ít thấy.
HÒA BÌNH – Ảnh: HTT