Bộ Công Thương vừa đề nghị UBND các tỉnh rà soát sản xuất để điều hành xuất khẩu nông sản, trái cây qua biên giới đất liền với Trung Quốc trong bối cảnh Covid-19. Các thông tin cần có gồm thống kê chi tiết sản lượng, chất lượng, năng lực cạnh tranh từng loại nông sản đã, đang và sẽ thu hoạch, sau đó, xây dựng kế hoạch chuyển hướng tiêu thụ.
Bộ Công Thương đề nghị các địa phương rà soát sản lượng và chất lượng từng loại nông sản, từ đó có kế hoạch điều chuyển thị trường tiêu thụ.
Ngành công thương đang tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xuất khẩu mới, trong đó, hệ thống thương vụ, chi nhánh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cùng tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề xuất các tỉnh chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với diễn biến dịch Covid-19. Những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu qua hình thức trao đổi cư dân biên giới, có biện pháp khuyến nghị người dân điều tiết sản lượng, ít nhất là không sử dụng các cách thức để gia tăng sản lượng vào thời điểm này. Cùng với đó, xem xét chuyển đổi sang những loại cây trồng khác theo khuyến nghị trước đó của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Với doanh nghiệp, ngành công thương khuyến nghị, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới (trừ xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng), sẵn sàng chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch (dán tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm..). Bộ Công Thương đã chỉ đạo các phòng quản lý xuất nhập khẩu ưu tiên cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi cho những lô hàng sẵn sàng chuyển đổi từ tiểu ngạch sang chính ngạch.
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn đề nghị các doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa, nông sản và thực hiện tốt quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, quy cách đóng gói.
Bộ Công Thương đề nghị các địa phương rà soát hoạt động sản xuất trong bối cảnh, dịch Covid-19 đã tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản. Hoạt động này nhằm giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực và có cơ sở điều hành kịp thời, hiệu quả xuất khẩu nông sản qua cảng biển, hàng không và cửa khẩu biên giới.
Trước đó, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, chính quyền các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam đã kéo dài thời gian đóng cửa biên giới tạm thời các chợ và trao đổi hàng hóa cư dân biên giới dẫn đến hàng trăm container nông sản bị ùn ứ tại của khẩu Lạng Sơn và Bắc Giang.
Hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản, đặc biệt là thanh long và dưa hấu chủ yếu xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các chợ biên giới.
Theo Người Đồng Hành