Tết sớm đến với 200 trẻ khuyết tật, chậm phát triển

Chiều tối 25-1, ngay trong ngày Tết ông Táo (23 tháng chạp), gần 200 trẻ khuyết tật, chậm phát triển tại Trung tâm bảo trợ trẻ em Gò Vấp đã được chiêu đãi bữa ăn phở thơm ngon và nhận được lì xì, quà Tết sớm.

Để bảo vệ nghiêm ngặt cho trẻ, khách đến phát quà, lì xì, phục vụ phở cho các em phải thay khẩu trang mới, đeo găng tay y tế, xịt khuẩn toàn thân. Cũng chỉ có trẻ đã từng bị F0 mới được cho xuống giao lưu văn nghệ với ca sĩ Hoàng Luân, ăn phở, nhận quà và nhận lì xì tập trung ở hội trường trung tâm.

Đây là tấm lòng của các bạn trẻ trong nhóm từ thiện Chân Trời Việt TP.HCM, Phở Đức Saigon’s View và đặc biệt là các suất phở ngon đến từ thương hiệu phở Hoa Hồi Vàng 34 Cao Thắng.

Hai mẹ con chủ quán phở 34 Cao Thắng, từng đoạt danh hiệu Hoa Hồi Vàng, cùng các nhân viên quán phở đã rất tận tâm nấu phục vụ 200 suất phở ngon cho các trẻ thiệt thòi ở trung tâm.

Vừa nhìn thấy các bao lì xì đỏ, các cháu nhỏ đã giơ cao những đôi bàn tay gầy gò, khiếm khuyết vỗ vỗ vào nhau, reo hò đầy thích thú. Được đích thân chọn màu nào lì xì, cháu nào cũng tỏ ra hạnh phúc, sung sướng vì được món quà như ý. Bé Sơn (13 tuổi) cho biết cả năm nay ít ai đến thăm. “Hôm nay con vui lắm. Vừa được ăn Phở ngon, vừa được nhận đến hai phần quà, lại được bao lì xì đỏ, được nghe các chú ca sĩ hát, được hát chung với chú ca sĩ nữa…”, bé Sơn cười tít mắt rồi xin hát bài “Xuân đã về” tặng các bạn có hoàn cảnh giống mình.

Biết được ăn phở, các bé vỗ tay, nói cười hào hứng.
Niềm vui chờ được ăn phở, được phát quà và nhận lì xì.

Ngay sau đó, một nhóm các cháu trong trung tâm đã hoà giọng cùng Sơn cất cao lời bài hát “Cả nhà thương nhau”. Những tiếng hát ngọng nghịu của các cháu khuyết tật cất lên làm nghẹn lòng những người chứng kiến. “Con thích bài hát này lắm”, bé Tâm thủ thỉ. Đại diện nhóm Chân Trời Việt cho biết năm nay dịch bệnh khó khăn, nhưng nghe tình cảnh các cháu suốt năm qua nên đã lên kế hoạch đến thăm và hỗ trợ chỉ trong vòng 1 ngày chuẩn bị. Cho biết Phở phải ăn thật nóng mới ngon, chị Nguyễn Tiêu Bích Trân Trân, Hoa Hồi Vàng cuộc thi Đi tiếng người nấu phở ngon, chủ thương hiệu Phở Cao Thắng đã thuê xe chở các dụng cụ đến nấu tặng hàng trăm suất phở cho các cháu. “Tuy cuối năm bận rộn, nhưng việc làm quá ý nghĩa, các cháu quá bất hạnh, nên tôi và gia đình đã gác lại công việc để tham gia chia sẻ với các cháu”, chị Trân xúc động nói. Vỗ tay mừng rỡ khi thấy các cô, chú bê phở lên tận phòng, bé Nghĩa (11 tuổi) tranh thủ hít hà mùi hương phở bốc lên theo làn khói nghi ngút. Vừa ăn, bé vừa xuýt xoa: “Phở ngon lắm cô ạ. Một năm rồi, con mới lại được ăn phở có nhiều thịt, thơm phức thế này”, bé Nghĩa hớn hở khoe.

Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Gò Vấp chia sẻ về những khó khăn trong dịch covid của nơi đây.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm, hai đợt dịch vừa qua, tại đây có 22 cháu nhiễm COVID-19 do nhân viêm nhiễm bệnh khi đi tiêm vaccine nhưng không có dấu hiệu, và phát bệnh sau thời gian cách ly. May mắn các cháu đã vượt qua hết, nhờ sự tận tình chăm sóc của Trung tâm. “Tuy nhiên, đó là quãng thời gian vô cùng vất vả, khi quy định 3 tại chỗ kéo dài. Thậm chí trong thời gian đỉnh dịch có người phải ở 3 tháng tại trung tâm”, ông Hải cho biết. Khó khăn chất chồng, nhưng các bảo mẫu, nhân viên và lãnh đạo Trung tâm với tình yêu thương vô bờ bên dành cho các cháu kém may mắn tại đây. “Đây cũng là các cháu được giao lưu với các bạn thiện nguyện viên hôm nay”, bà Nguyệt Lê, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm xúc động nói. Buổi giao lưu, tặng quà cùng các tiết mục văn nghệ do ca sĩ Hoàng Luân và các cháu khuyết tật trình diễn khép lại sau những bát phở thơm ngon đầy dinh dưỡng, những món quà Tết tràn đầy ý nghĩa cùng các bao lì xì đỏ thắm được trao tận tay các cháu. Một buổi tối ấm áp cuối năm đã khép lại trong nụ cười rạng rỡ trên những khuôn mặt có đôi chút biến dạng vì các căn bệnh bẩm sinh: bệnh đao, thiểu năng và khuyết tật vận động…

Theo ông Hải, Trung tâm Bảo trợ trẻ em Gò Vấp hiện đang dưỡng nuôi 195 cháu cơ nhỡ bị não úng thủy và down, thiểu năng (70%), 20% cháu bị khuyết tật vận động, còn lại là thiểu năng nhẹ. Đa số các cháu khi sinh ra bị bệnh, gia đình không có khả năng điều trị, nên đã bỏ rơi tại bệnh viện. Đối với những cháu không học hành được, Trung tâm nuôi đến 16 tuổi sẽ chuyển trungg tâm khác theo quy định của Nhà nước; các cháu bệnh nặng thì bảo lưu tại Trung tâm để tiếp tục được chăm sóc đặc biệt. “Đợt dịch vừa qua không có mạnh thường quân vào hỗ trợ, chỉ có một số người gởi ít quà hỗ trợ các cháu”, ông Hải trăn trở. Ông Hải cho biết hiện Trung tâm gần như khó khăn về mọi mặt, nhất là trang thiết bị y tế: thuốc điều trị, ống ăn cho trẻ bệnh nặng, kit test COVID-19, tã bỉm cho trẻ không cử động được, dung dịch khử khuẩn… Đa số Trung tâm tựu đi vận động, vì trợ cấp xã hội dành cho các cháu trên 4 tuổi chỉ vào khoản trên 2 triệu đồng/ cháu/ tháng, cho tất cả các khoảng ăn uống, thuốc men điều trị, quần áo, tã bỉm… “Không có mạnh thường quân hỗ trợ thì chúng tôi khó lòng xoay sở được đủ đầy cho các cháu. Do vậy, trung tâm luôn cố gắng vận động thêm trong cộng đồng để đồng hành, hỗ trợ giúp các cháu các trang thiết bị về y tế, thuốc men, Tã sửa, dung dịch khử khuẩn, bộ Kit-Test…” – ông Hải nói thêm.

BÌNH MINH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *