Chuyển thể vở cải lương nổi tiếng Tướng cướp Bạch Hải Đường thành kịch nói, nghệ sĩ Ái Như đã khoác cho vở diễn một tầng ý nghĩa mới, khác biệt.
Mùa kịch Tết 2021 này, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã cho ra mắt vở kịch Bạch Hải Đường thật đáng giá. Chuyển thể từ kịch bản cải lương Tướng cướp Bạch Hải Đường, nghệ sĩ Ái Như đã giữ lại toàn bộ nhân vật và tuyến đường dây, tình tiết hấp dẫn của câu chuyện ở cải lương.
Một gã cướp luôn để lại một cành hoa hải đường trắng sau mỗi vụ cướp táo bạo, gây chấn động xã hội nên được gọi là tướng cướp Bạch Hải Đường. Một người phụ nữ tệ bạc bỏ con thơ theo nhân tình. Một người đàn bà phụ rẫy người chồng đi ăn cướp về nuôi mình sống sung sướng, se sua để theo nhân tình nghiện ngập. Một người vợ phản bội, tố cáo chồng là ăn cướp lên nhà chức trách để gom của trốn theo tình nhân. Một người mẹ bỏ con theo trai khi con còn nhỏ xíu, hơn 10 năm sau quay lại phá hoại cuộc sống của con, tống tiền ân nhân nuôi dưỡng con mình. Một tên tội phạm sắp mãn hạn tù phải vượt ngục về ngăn cản người vợ bạc ác hại con, tống tiền ân nhân nuôi dưỡng con nên người.
Tuy nhiên, nhân vật Bạch Hải Đường trong kịch Hoàng Thái Thanh đã được nghệ sĩ Ái Như viết thêm cho một câu chuyện đời mới. Tướng cướp Bạch Hải Đường ở cải lương đi ăn cướp chỉ đơn thuần để nuôi vợ con, gia đình được sung sướng. Bạch Hải Đường trong kịch đi ăn cướp vì bi kịch cuộc đời, chứng kiến mẹ chết đói trong bệnh tật, trước khi chết thèm ăn có một cái bánh bao cũng không có tiền mua. Đứa bé 10 tuổi phải lao ra đường van lạy xin bánh về cho mẹ mà người ta không cho. Nó phải cướp và bị đánh đập tàn nhẫn. Đến khi nó đem cái bánh của lần đầu đi ăn cướp dính đầy máu về thì mẹ nó đã thành cái xác lạnh.
Những cay đắng đó Bạch Hải Đường đã trả thù đời khi chọn trở thành ăn cướp chỉ của người giàu để sinh tồn , để phải có nhiều tiền, để gia đình phải sống đầy đủ, vinh sang, không ai coi thường, con cái phải học trường tây để không ai khinh nhục> Bạch Hải Đường cướp còn để có tiền giúp những người đang khốn khó.
Với câu chuyện trở thành ăn cướp đó, vở kịch Bạch Hải Đường đã được khoác thêm một tầng ý nghĩa cuộc sống sâu sắc hơn là một câu chuyện vụ án gay cấn, hấp dẫn. Ông Cò Bằng đã trở thành nhân vật nghệ sĩ Ái Như gửi gắm nhân sinh quan của vở diễn. Cú đấm và những lời răn chửi đứa bạn, đứa em Đặng Hoàng Minh của Cò Bằng đã sai khi trở thành tướng cướp Bạch Hải Đường đã đánh động người xem. Bởi đâu phải ai nghèo khổ, oan ức, cay đắng trong cuộc đời đều có quyền đi ăn cướp như một cách trả thù đời. Bởi đâu phải đi ăn cướp có tiền rồi là người đời không rẻ khinh, khi mình vẫn bị gọi là thằng ăn cướp. Bởi muốn vươn lên trong cuộc sống, muốn được xã hội tôn trọng, bản thân người ta phải đạt được nó bằng sự cố gắng học hành, làm việc chân chính.
Cò Bằng không chỉ là một người tốt nuôi con dùm bạn như ở cải lương, nhân vật này trong kịch của nghệ sĩ Ái Như đã thành một hình mẫu về lối sống tốt lành. Cò Bằng là cảnh sát không tham ô. Bằng đồng tiền lương thiện, Cò Bằng đã nuôi con Bạch Hải Đường học trường tây như mong muốn của anh ta khi làm ăn cướp. Cò Bằng đầy lý tính, nguyên tắc, không bao che cho bạn. Song Cò Bằng cũng đầy tình cảm, đầy lòng tin vào con người. Nhìn thấy Bạch Hải Đường chỉ cướp của người giàu, biết giúp đỡ người nghèo, thương yêu vợ con, quý trọng gia đình, không là người nguy hiểm, Cò Bằng dám lấy thân phận cá nhân đảm bảo cho việc mở còng để anh ta được ôm con trước khi vào tù.
Vào vai Cò Bằng, nghệ sĩ Thành Hội đã manh đến cho người xem phong thái hồn hậu, phóng khoáng mà nghiêm cẩn, mực thước của người Sài Gòn – miền Nam cũ. Vai diễn của anh nhẹ nhàng mà thật ấm, thật thấm với khán giả.
Vào vai Bạch Hải Đường, Trí Quang thật sáng sân khẩu với vẻ nam tính, phong trần, rất ra dáng một tướng cướp. Những đoạn diễn tâm lý của Trí Quang cũng tròn đầy, chạm đến cảm xúc của người xem, lấy được nước mắt của khán giả. Trí Quang còn biết tô đậm nhân vật của mình – là một anh chàng võ biền, ít học, đắc chí khi có tiền nên ngồi hay rung đùi. Với vai Bạch Hải Đường dữ dội khi làm tướng cướp, hiền lành khi ở bên vợ con, quay quắt với cảnh ngộ cuộc đời, Trí Quang đã tiến một bước xa trên con đường làm diễn viên sân khấu của mình. Với Bạch Hải Đường, Trí Quang đã có được một vai đáng nhớ, ghi dấu ấn của riêng mình.
Vào vai Nhunng – vợ Bạch Hải Đường, một nhân vật nổi bật nhất, nhì trong kịch bản, Tuyết Thu vào vai một cách nhẹ nhàng. Bản lĩnh của chị đủ để tạo ra một cô Nhung chua ngoa, ích kỷ, nhẫn tâm, hay một cô Nhung đau khổ, sám hối một cách tròn đầy. Chỉ tiếc là dường như Tuyết Thu vẫn còn giữ lại một chút gì đó khi diễn mà không bung xõa hết để Nhung dữ dội hơn. Nhung của Tuyết Thu ở kịch nói sang trọng hơn Nhung ở cải lương khi ảo tưởng về tình yêu với nhân tình, triết lý hơn khi tống tiền ba mẹ nuôi con gái.
Trong vai Cang, tình nhân của Nhung, Thanh Sơn thật hợp vai về vóc dáng. Cách diễn của Thanh Sơn đơn giản nhưng rất sắc nét, tạo thành chân dung một tên đểu cáng, lừa gạt, sống bám đàn bà điển hình khiến người xem phẫn nộ. Vai Cang ấn tượng, thật đáng ghét của Thanh Sơn là một trong những điểm nhấn thành công của vở kịch.
Trong vai ông bầu gánh cải lương tên Trung, Thế Hải đã đem lại được nhiều tiếng cười duyên dáng cho kịch Bạch Hải Đường. Còn nghệ sĩ Ái Như, bên cạnh vai trò đạo diễn, chuyển thể kịch bản, chị đã vào vợ Cò Bằng một cách nhẹ nhàng làm thành sự tròn đầy của vở kịch.
Kịch Bạch Hải Đường hiện đang được công diễn tại sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh. Tết này, từ mùng 1 đến mùng 10, mỗi ngày Kịch Hoàng Thái Thanh diễn hai suất lúc 16 giờ và lúc 20 giờ các vở diễn: Bạch Hải Đường, Chờ thêm chút nữa, Bông hồng cài áo, Bàn tay của trời, Tình yêu trời đánh, Con ma nhà họ Hứa.
HÒA BÌNH