Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Không để tháng Giêng là tháng ăn chơi”

Chiều 17/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về tình hình Tết, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết và công tác phòng chống dịch Covid-19 với tinh thần quyết tâm cao hơn ngay từ đầu năm, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”…

Nhân dân cả nước đón Tết trong không khí vui tươi, an toàn

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các cấp, các ngành đã chỉ đạo đồng bộ, toàn diện để nhân dân có Tết an toàn, lành mạnh, đầm ấm. “Hôm nay chúng ta họp giao ban đầu năm kiểm điểm tình hình công tác chỉ đạo phục vụ Tết cho Nhân dân, và những vấn đề đặt ra, cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn”, Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp này, Thường trực Chính phủ sẽ bàn các giải pháp để xử lý vấn đề cấp bách trước mắt, như sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ, phòng chống hạn mặn, thiên tai thời tiết thất thường, phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt một số chủ trương biện pháp để bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, để ngay đầu năm bảo đảm hoạt động bình thường, bắt tay ngay vào việc, triển khai quyết liệt đồng bộ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi” mà tháng Giêng là tháng làm việc cật lực để bắt tay ngay vào nhiệm vụ năm 2021″.

Thủ tướng nhấn mạnh phải có quyết tâm cao hơn ngay từ đầu năm, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, bởi thời gian không chờ đợi ai.

Theo báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ, trong dịp Tết với bối cảnh bình thường mới, nhiều biện pháp đồng bộ đã được triển khai để phòng, chống dịch Covid-19, nhân dân cả nước đã đón Tết trong không khí sum vầy, vui tươi, an toàn…

Thị trường hàng hóa phong phú, giá cả ổn định, cung ứng đầy đủ nhu cầu thực phẩm, phục vụ Nhân dân trong dịp Tết, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Tiền lương, tiền thưởng cho người lao động cơ bản được bảo đảm kịp thời, đúng quy định. Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên đán năm 2021 chỉ tăng từ 3 – 5% so với tháng thường và tăng 7 – 10% so với cùng kỳ Tết năm 2020.

Tính đến ngày 19 giờ ngày 16/2/2021, các địa phương đã chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, NLĐ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 với số tiền gần 5.558 tỷ đồng. Thực hiện chuyển quà kịp thời của Chủ tịch Nước nhân dịp Tết cho 1,733 triệu đối tượng người có công với cách mạng, với tổng kinh phí gần 538 tỷ đồng. Ngoài phần quà của Chủ tịch Nước, các địa phương đã chủ động trích ngân sách của tỉnh, thành phố và nguồn vận động để tặng quà cho đối tượng chính sách, NCC nhân dịp Tết Nguyên đán với mức quà bình quân dao động từ 500.000 -1.000.000 đồng/suất, nhiều địa phương có mức quà cao như TP.HCM 6,5 triệu đồng/suất; Quảng Ninh 4 triệu đồng/suất.

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, tiền lương bình quân năm 2020 ước đạt 7,54 triệu đồng/tháng, giảm khoảng 3% so với năm 2019; khoảng 55,6% trong tổng số 62.640 doanh nghiệp báo cáo có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán năm 2021, mức thưởng bình quân gần bằng 1 tháng lương (6,36 triệu đồng/người), bằng 95% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2020 (6,69 triệu đồng/người).

Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, bảo đảm khám, cấp cứu cho nhân dân. Tính đến 7 giờ ngày 16/2/2021 (mùng 5 Tết), tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện khám, cấp cứu cho 285.309 lượt bệnh nhân, tăng 14,5% so với cùng kỳ Tết Canh Tý.

Sản xuất nông nghiệp tại các địa phương diễn ra theo kế hoạch; tập trung gieo cấy, chăm sóc lúa Đông Xuân, gieo trồng hoa màu trên cả nước và thu hoạch cây vụ Đông miền Bắc. Cả nước đã gieo cấy đạt trên 2,27 triệu ha lúa Đông Xuân.

Trong dịp Tết, lực lượng Bộ đội Biên phòng duy trì 1.608 tổ, chốt với tổng số hơn 9.990 người tham gia.

Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên cả nước trong 7 ngày nghỉ Tết ổn định, không có diễn biến bất thường, không xảy ra các vụ việc phức tạp, nghiêm trọng. Công tác đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng pháo đạt hiệu quả cao trong dịp Tết, lực lượng chức năng đã bắt, xử lý 1.868 vụ, 2.003 đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép (tăng 27,1% số vụ, 30,3% số đối tượng).

Tính đến 7 giờ sáng 16/2/2021, sau 6 ngày nghỉ Tết đã có 29.650 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm 2,8% so với cùng kỳ Tết Canh Tý. Số ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông chiếm 10,4% trong tổng số khám, cấp cứu chung.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong vòng 7 ngày nghỉ Tết vừa qua đã ghi nhận tổng cộng 243 trường hợp mắc Covid-19 trong nước tại 7 tỉnh, thành phố gồm: Hải Dương (213 ca, chiếm 89,9%), Hà Nội (8 ca, chiếm 3,4%), TP.HCM (8 ca, chiếm 3,4%), Quảng Ninh (7 ca, chiếm 3%), Gia Lai (5 ca, chiếm 2,1%) và Bắc Ninh, Bắc Giang chỉ ghi nhận 1 ca.

Về tình hình dịch Covid-19, Bộ Y tế cho biết, trên thế giới, dịch bệnh có xu hướng giảm ở một số quốc gia do đã áp dụng quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch, đồng thời với việc triển khai tiêm chủng vaccine đã có những kết quả bước đầu trong kiểm soát dịch Covid-19.

Hà Nội tăng cường thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 1.

Tại Việt Nam, hiện dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát tại 12/13 tỉnh, thành phố (trừ Hải Dương dịch vẫn đang diễn biến phức tạp), các ổ dịch trong cộng đồng đang có xu hướng giảm ca mắc trong ngày. Các ổ dịch tại các thành phố lớn như TP.Hà Nội, TP.HCM đã nhanh chóng được kiểm soát với các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn luôn thường trực do đã có các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây, đặc biệt khi người dân từ các địa phương quay trở lại làm việc.

Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau Tết trong bối cảnh có Covid-19

Đánh giá cao các báo cáo của Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, cơ quan liên quan, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã kết thúc 1 năm thắng lợi, đời sống của người dân được nâng lên trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch bệnh, thiên tai dồn dập.

Thủ tướng đề nghị, tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trở lại làm việc bình thường, không tổ chức liên hoan, đi chúc Tết, cần tập trung xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, nhất là xử lý xong công việc tồn đọng do nghỉ Tết.

Hà Nội tăng cường thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 2.

“Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, các địa phương trọng điểm như tỉnh Hải Dương, TP. Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác bám sát tình hình dịch bệnh Covid-19 và tình hình kinh tế – xã hội của đất nước để kịp thời tham mưu cho Thủ tướng cũng như Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ về các giải pháp ứng phó hiệu quả, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh. Tiếp tục tham mưu các giải pháp để chỉ đạo điều hành thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau Tết trở lại nhịp điệu bình thường trong bối cảnh có Covid-19”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu, tất cả cán bộ, công chức cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy, gương mẫu, nhất là không đi lễ hội trong giờ hành chính. Các cơ quan truyền thông tuyên truyền động viên người dân, doanh nghiệp ra quân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu nhưng chú ý phòng chống dịch.

Các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao ngay từ đầu năm, nhất là các nhiệm vụ, công việc nêu trong Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ; trong đó, có một số việc như lo phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nước tưới ở ĐBSCL, lo chỉ đạo công tác tuyển quân, lo chỉ đạo thực hiện Tết trồng cây nhằm thực hiện chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh mà hiện nay nhiều địa phương đang phát động.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc vận động người dân cài đặt phần mềm Bluezone, thực hiện thông điệp 5K của ngành y tế, bảo đảm an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh ở các khu vực như trường học, khu chợ, siêu thị, bệnh viện… Các cơ sở kinh doanh, nhất là cơ sở có đông người, đều phải có phương án cụ thể phòng chống dịch bệnh.

Kết thúc cuộc họp, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chuẩn bị một Chỉ thị của Thủ tướng về các nhiệm vụ sau Tết để các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt hơn ngay từ ngày đầu, tháng đầu, không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi” mà tháng Giêng là tháng làm việc cật lực để bắt tay ngay vào nhiệm vụ năm 2021.

HUY LINH – Theo Dân Sinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *