Tối 22/12/20024, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, chương trình Hòa nhạc và biểu diễn Nghệ thuật “Bài Ca Không Quên” đã diễn ra rực rỡ, hoành tráng, hào hùng mà vô cùng cảm xúc, làm rung động hàng ngàn trái tim người xem, từ những vị lãnh đạo cấp cao của Đất nước, Quân đội, TP.HCM đến những người lính, người dân bình thường của thành phố.
Đây là một sự kiện đầy ý nghĩa trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2024). Với chủ đề “Vì nhân dân quên mình,” chương trình không chỉ là “bữa tiệc” nghệ thuật đặc sắc, mà còn tái hiện một cách sống động và ý nghĩa lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam cũng như của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong hành trình lịch sử 80 xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.
Không gian âm nhạc semi – classic sống động ngoài trời
Sau nhiều năm tổ chức tại Hà Nội, chương trình “Bài Ca Không Quên” đã lần đầu tiên ra mắt khán giả TP.HCM, đánh dấu một bước thay đổi đáng nhớ của chương trình. Với hình thức hòa nhạc giao hưởng – thính phòng nhưng lại được tổ chức ngoài trời, giữa không gian mở chính là một thử thách lớn đối với ekip thực hiện. Độ khó trong bố trí sân khấu, thiết lập hệ thống âm thanh dành cho biểu diễn với hàng trăm nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng – thính phòng đòi hòi các lực lượng tổ chức thực hiện phải nỗ lực gấp nhiều lần để hoàn thành chương trình, đạt chất lượng nghệ thuật ở đẳng cấp cao, phục vụ hàng ngàn khán giả tại hiện trường và hàng triệu khán giả theo dõi qua kênh VTV1, VTV9, QPVN, HTV, hàng chục kênh truyền hình tiếp sóng cùng lúc và khán giả theo dõi qua các nền tảng số.
Thành công của chương trình không chỉ mở ra hướng đi mới trong tổ chức sự kiện nghệ thuật cách mạng mà còn mang đến một cảm nhận khác của khán giả đối loại hình nghệ thuật giao hưởng, thính phòng – loại hình âm nhạc vốn được coi là “bác học” đối với hầu hết các khán thính giả.
Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, vị trí đắc địa ngay trung tâm TP.HCM – trái tim sôi động của thành phố – đã trở thành sân khấu hoành tráng cho âm nhạc giao hưởng – thính phòng. Du khách và người dân không chỉ được thưởng thức những ca khúc “đi cùng năm tháng” đỉnh cao, được hoà âm phối khí theo phong cách giao hưởng do các ca sĩ, nghệ sĩ, nhạc công tài năng, có tên tuổi của cả nước trình diễn, mà còn được tận hưởng những hiệu ứng hình ảnh kiên cường của lực lượng quân đội từ ngày đầu thành lập. Đêm nhạc khắc họa quá trình đổi mới và hội nhập đầy tự hào của dân tộc trong các hoạt động bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kì.
Bài trường ca lịch sử hào hùng
Chương trình được kết cấu thành ba chương: “Tổ Quốc Trong Tim”, “Bài Ca Không Quên,” và “Vì Nhân Dân Quên Mình.” Mỗi chương được hình thành từ những ca khúc bất hủ của nền âm nhạc Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc. Những ca khúc cách mạng ca ngợi hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” với những phẩm chất cao đẹp “Vì Nhân dân quên mình, vì Nhân dân hy sinh”, khái quát cả một giai đoạn lịch sử hào hùng, bi tráng, đầy máu lửa, hy sinh, mất mát nhưng vô cùng vinh quang của cả dân tộc để giành lại độc lập, tự do cho đất nước, thống nhất non sông,… Đó cũng là lời tri ân gửi đến các anh hùng liệt sĩ, những người lính đã cống hiến máu xương, hy sinh cả thanh xuân vì độc lập và hòa bình của dân tộc.
Hàng loạt tiết mục nghệ thuật đặc sắc được trình bày bởi những nghệ sĩ tài năng, khắc họa trọn vẹn tinh thần lịch sử và cách mạng của dân tộc Việt Nam. Mở đầu là nhạc cảnh “Lời Thề Non Sông” do nhạc trưởng Lê Ha My cùng dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng trình diễn đã tái hiện lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1941. Tiếp nối, “Chiến Sĩ Việt Nam” và “Đoàn Vệ Quốc Quân” được biểu diễn bởi nhóm ca nam 135, NSƯT Phạm Thế Vĩ, hợp xướng SG Choir và các nhóm múa, mang đến không khí hào hùng của những ngày đầu kháng chiến.
Nhóm MTV đã để lại dấu ấn với các ca khúc như “Nam Bộ Kháng Chiến” và “Bước Chân Trên Dãy Trường Sơn”, trong khi ca sĩ Phạm Trang gây xúc động với bài “Sẽ Về Thủ Đô”. Những bản ballad sâu lắng như “Chiến Thắng Điện Biên”, “Tiến Về Hà Nội” được thể hiện bởi dàn hợp xướng. “Hà Nội Niềm Tin Và Hy Vọng” được NSƯT Phạm Khánh Ngọc khoe trọn kỹ năng trình diễn cùng dàn nhạc. “Giai Điệu Tổ Quốc”, qua giọng ca nội lực của ca sĩ Viết Danh tạo nên không gian âm nhạc đầy cảm xúc và khát vọng hòa bình.
Ca sĩ Cẩm Vân đã chạm đến trái tim khán giả qua ca khúc “Huyền Thoại Mẹ”, còn Phan Mạnh Quỳnh trong tiết mục đầy cảm xúc “Đưa Anh Về”. Ca sĩ Đức Tuấn tỏa sáng với loạt ca khúc như “Tự Nguyện”, “Linh Thiêng Việt Nam”. Màn song ca đầy cảm xúc giữa Hồ Trung Dũng với NSƯT Phương Anh trong “Bài Ca Không Quên”. Chương trình cũng quy tụ các nghệ sĩ trẻ nổi bật như Hoàng Hồng Ngọc với bài hát “Yêu Anh Người Lính”, kết hợp cùng nhảy nghệ thuật hip-hop, mang đến sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Phần kết chương trình, liên khúc “Tiến Bước Dưới Quân Kỳ” và “Vì Nhân Dân Quên Mình”, đã đưa các nghệ sĩ, diễn viên và dàn nhạc cùng hòa mình, khép lại một đêm diễn đầy cảm xúc.
Các giai điệu quen thuộc của những ca khúc cách mạng, qua bàn tay tài hoa của những nhạc công và nghệ sĩ, đã được chuyển soạn một cách đầy sáng tạo cho piano, violon, cello, bộ gõ, dàn kèn đồng và dàn hợp xướng với sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ. Âm nhạc trở thành cầu nối mạnh mẽ, tái hiện tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của những chiến sĩ Vệ Quốc quân, Vệ Quốc đoàn năm xưa. Từng nốt nhạc như khắc họa hình ảnh kiên cường của những người đã cống hiến tuổi xuân và máu xương cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Những âm thanh vang vọng từ sân khấu chạm đến trái tim người nghe, tạo nên sợi dây liên kết sâu sắc giữa quá khứ và hiện tại, khơi dậy trong lòng mỗi người niềm tự hào và trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Điểm nhấn đặc biệt là màn trình diễn cuối cùng là Liên khúc “Tiến Bước Dưới Quân Kỳ” và “Vì Nhân Dân Quên Mình,” kết hợp ánh sáng rực rỡ với sự góp mặt của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp, chiến sĩ tạo nên một chương trình đầy ấn tượng.
10 năm lan tỏa giá trị lịch sử – Sự giao thoa giữa các thế hệ
Trong suốt 10 năm qua, chương trình “Bài ca không quên” đã trở thành một món quà tinh thần quý giá, một nét văn hóa vượt lên trên khuôn khổ của những buổi biểu diễn nghệ thuật thông thường, đó là chuyển soạn, hoà âm, phối khí lại các ca khúc cách mạng và biểu diễn trực tiếp. Với sự đầu tư công phu và các màn trình diễn đầy cảm xúc của dàn nhạc và các sĩ, nghệ sĩ, “Bài Ca Không Quên” đã khơi dậy những ký ức hào hùng, đồng thời làm sáng tỏ ý nghĩa thiêng liêng của âm nhạc cách mạng trong đời sống hiện đại.
Đánh dấu mốc 10 năm “Bài Ca Không Quên” được tổ chức tại thành phố mang tên Bác mang ý nghĩa sâu sắc với sự góp mặt của đông đảo Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, và Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng. Sự hiện diện của các Lãnh đạo cấp cao đã góp phần khẳng định vị thế quan trọng của chương trình trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Nổi bật của chương trình còn là sự giao thoa giữa các thế hệ nghệ sĩ, như dòng sông lịch sử không ngừng chảy, nơi mỗi thế hệ góp thêm một thanh âm, tạo thành bản hùng ca bất diệt của dân tộc. Từ những tên tuổi kỳ cựu như ca sĩ Cẩm Vân, biểu tượng của ý chí bất khuất, đến NSƯT Phạm Khánh Ngọc và Phan Mạnh Quỳnh, đại diện cho lớp trẻ tràn đầy sáng tạo và nhiệt huyết, họ cùng nhau dệt nên bức tranh gắn kết, đồng điệu trong niềm tin và tình yêu quê hương bất diệt, lan tỏa giá trị trường tồn.
BÌNH MINH – Ảnh: BTC