Ngày 9/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại các hội nghị ACMECS, CLMV và CLV diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế ACMECS lần thứ 9
Ngày 9/12/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị cấp cao (HNCC) Chiến lược hợp tác kinh tế Ây-a-oa-đi – Chao Phờ-rây-a – Mê Công (ACMECS) lần thứ 9 theo hình thức trực tuyến, với sự có mặt của Lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan và Tổng Thư ký ASEAN.
Đoàn Việt Nam tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế và Văn phòng Chính phủ.
Với chủ đề “Quan hệ đối tác vì kết nối và phục hồi”, Hội nghị tập trung rà soát tình hình triển khai Tuyên bố Bangkoc và Kế hoạch Tổng thể ACMECS giai đoạn 2019-2023 được Lãnh đạo các nước thông qua tại HNCC ACMECS lần thứ 8 (tháng 6/2018 tại Bangkoc, Thái Lan); đồng thời trao đổi về các biện pháp củng cố hợp tác trong giai đoạn mới.
Về tình hình hợp tác trong hai năm qua, các nhà Lãnh đạo ghi nhận những kết quả tích cực mà Hợp tác ACMECS đạt được trong việc triển khai Kế hoạch Tổng thể ACMECS xoay quanh 3 trụ cột là: Kết nối hạ tầng cứng, kết nối hạ tầng mềm và phát triển thông minh-bền vững.
Hội nghị đánh giá cao nỗ lực của các nước trong việc xây dựng một số văn bản định hướng hợp tác như: Điều khoản tham chiếu (TOR) của Quỹ Phát triển ACMECS (ACMDF), Tài liệu khái niệm về Cơ chế làm việc của các Ủy ban điều phối ACMECS và Danh sách các dự án ưu tiên.
Hội nghị cũng ghi nhận tiến triển trong việc hình thành mạng lưới đối tác phát triển của ACMECS, trong đó có việc thông qua danh sách đối tác đợt 1 (gồm Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, và Australia) và chuẩn bị thống nhất danh sách đợt 2.
Về hợp tác trong thời gian tới, các nhà Lãnh đạo nhận định khu vực và thế giới đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các vấn đề an ninh phi truyền thống như: Biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn…
Lãnh đạo các nước bày tỏ quan ngại về các đợt hạn hán nghiêm trọng, đặc biệt trong năm 2019 và 2020, khiến mực nước sông Mê Công giảm xuống mức thấp kỷ lục mới và gây gián đoạn nguồn cung lương thực, ảnh hưởng tới hệ sinh thái, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của tiểu vùng.
Trên cơ sở đó, các nhà Lãnh đạo khẳng định quyết tâm: Thúc đẩy hợp tác bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp thông minh và quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mê Công, quản lý thiên tai và biến đổi khí hậu;
Tăng cường nỗ lực vừa phòng chống, ứng phó với đại dịch Covid-19; vừa tái thiết kinh tế, bao gồm phục hồi chuỗi cung ứng, thúc đẩy thương mại, đầu tư, công nghiệp và du lịch giữa các nước thành viên ACMECS, phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, thương mại điện tử và phát triển nguồn nhân lực;
Thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân… trong việc thực hiện 3 trụ cột hợp tác của Kế hoạch tổng thể ACMECS và sớm đưa Quỹ Phát triển ACMECS đi vào hoạt động nhằm triển khai hiệu quả các dự án ưu tiên;
Và bảo đảm tính kết nối và cộng hưởng giữa hợp tác ACMECS với ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng liên quan, đồng thời xem xét cải tiến cơ cấu, phương thức hoạt động của hợp tác ACMECS theo hướng tăng cường hiệu quả và phát huy tối đa nguồn lực.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác và phối hợp giữa 5 nước láng giềng Mê Công trong nỗ lực chung thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, hướng tới xây dựng nền kinh tế cạnh tranh, năng động và bền vững.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Phnôm Pênh Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 9; và nhất trí Lào sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 10.
Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 10
Sáng 9/12/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Cấp cao (HNCC) Hợp tác Campuchia – Lào – Myanma – Việt Nam (CLMV) lần thứ 10 theo hình thức trực tuyến.
Với chủ đề “Tăng cường kết nối hiệu quả vì hội nhập khu vực”, các nhà Lãnh đạo khẳng định cam kết làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng thân thiện, cùng có lợi giữa bốn nước, cũng như quyết tâm thúc đẩy hợp tác nhằm phát huy tiềm năng kinh tế của các nước thành viên, thu hẹp khoảng cách phát triển khu vực, đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, các Nhà Lãnh đạo đã thông qua “Khung khổ phát triển CLMV” – tài liệu mang tính định hướng nhằm xây dựng khu vực CLMV thành trung tâm kinh doanh quốc tế và hướng đến mục tiêu trở thành các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình cao trong năm 2030.
Lãnh đạo bốn nước cũng nhất trí tăng cường kết nối trên nhiều mặt vì sự phát triển bền vững, bao trùm của khu vực CLMV.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh những thành tựu mà hợp tác CLMV đã đạt được, đồng thời nhấn mạnh chỉ có đoàn kết và hợp tác mới giúp bốn nước CLMV vượt qua khó khăn và cùng nhau xây dựng khu vực CLMV năng động, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Thủ tướng cũng nêu ba ưu tiên đối với hợp tác trong giai đoạn tới.
Kết thúc Hội nghị, Lãnh đạo cấp cao bốn nước đã thông qua ba văn kiện gồm: Tuyên bố chung của Hội nghị, tài liệu “Khung khổ phát triển CLMV” và danh sách 16 dự án ưu tiên của hợp tác. Các nước cũng nhất trí Myanma sẽ chủ trì tổ chức HNCC CLMV lần thứ 11.
Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển CLV lần thứ 11
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cùng với Thủ tướng CHDCND Lào Thoong-lun Xi-xu-lit (Thongloun Sisoulith) và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Xăm-đéc Ạ-kẹ Mô-ha Xê-na Pạ-đây Tê-chô Hun Sen (Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen) họp Hội nghị Cấp cao (HNCC) Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam (TGPT CLV) lần thứ 11 theo hình thức trực tuyến.
Thảo luận về tình hình hợp tác thời gian qua, ba Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu đạt được trong thực hiện Kế hoạch tổng thể về phát triển kinh tế xã hội khu vực TGPT CLV giai đoạn 2010 – 2020, đặc biệt là trong xây dựng hạ tầng cơ sở, tạo thuận lợi cho thương mại, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và hội nhập kinh tế khu vực của các địa phương, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh và ổn định xã hội, tăng cường hiểu biết và gắn bó giữa nhân dân ba nước.
Các Thủ tướng cũng đánh giá cao nỗ lực của Uỷ ban điều phối chung và các Bộ, ngành ba nước trong triển khai các dự án hợp tác chung.
Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, ba Thủ tướng khẳng định quyết tâm xây dựng khu vực TGPT CLV hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng thông qua tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả của hợp tác, thúc đẩy tiến trình hội nhập, tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN khác để hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Các Thủ tướng cũng khẳng định cam kết đẩy mạnh hợp tác trong bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước và tài nguyên rừng.
Trên cơ sở đó, các Thủ tướng đã chỉ đạo Ủy ban Điều phối chung tích cực triển khai một số nội dung cụ thể như: (i) Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội khu vực TGPT CLV giai đoạn 2021 – 2030 trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm từ triển khai Quy hoạch giai đoạn 10 năm vừa qua; (ii) Xây dựng các chương trình, kế hoạch và dự án cụ thể để thực hiện Kế hoạch kết nối ba nền kinh tế Campuchia – Lào – Việt Nam đến 2030;
Thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển du lịch khu vực TGPT CLV giai đoạn 2020 – 2025 tầm nhìn 2030 được thông qua tại Hội nghị, nâng cao hiểu biết về mô hình “Ba quốc gia, một điểm đến” và thúc đẩy du lịch bền vững; (iv) Xây dựng chương trình hoạt động cụ thể để triển khai Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su bền vững được thông qua tại Hội nghị;
Tăng cường các hoạt động trao đổi sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên; các chương trình đào tạo nghề và giao lưu nhân dân; và (vi) Phối hợp cùng các đối tác phát triển, các tổ chức tài chính quốc tế trong việc thực hiện các kế hoạch đã được phê duyệt.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định khu vực CLV có tiềm năng phát triển rất lớn; quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân ba nước và sự phối hợp chặt chẽ giữa ba Chính phủ tạo cơ sở quan trọng để khu vực tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vượt qua được những khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ phát triển mới và trở thành một động lực tăng trưởng của ASEAN.
Thủ tướng cũng chỉ ra một số phương hướng lớn mà hợp tác CLV cần chú trọng trong giai đoạn tới như:
Mở rộng thực chất quy mô hợp tác, tạo gắn kết hơn giữa khu vực TGPT CLV với kinh tế cả nước và phát huy tốt hơn tiềm năng của ba nước;
Triển khai mạnh mẽ Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế đến năm 2030, gắn với các chương trình, kế hoạch hợp tác tiểu vùng và ASEAN để tạo cộng hưởng, gia tăng hiệu quả;
Xây dựng môi trường thông thoáng, thuận lợi cho thương mại, đầu tư và du lịch thông qua: Triển khai nghiêm túc các hiệp định, thỏa thuận đã có, xây dựng các thỏa thuận mới giúp khai thông khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đẩy mạnh tạo thuận lợi lưu thông hàng hoá qua các cặp cửa khẩu biên giới; bảo đảm nguồn cung lao động lành nghề, chất lượng cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực;
Mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác nhằm huy động thêm nguồn lực cho phát triển tại khu vực CLV.
Kết thúc Hội nghị, ba Thủ tướng đã thông qua Tuyên bố chung về hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV và thống nhất tổ chức HNCC Khu vực TGPT CLV lần thứ 12 tại Vương quốc Campuchia.
THANH NHUNG – Theo Dân Sinh