Tuổi Trẻ Start-Up Award 2023: sôi động Talkshow với nguyên Phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler

Sáng  26-4, báo Tuổi Trẻ tổ chức talkshow “Cảm hứng khởi nghiệp 2023” tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM, với sự tham gia của ông Philipp Rösler – lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, nguyên phó thủ tướng Đức và nhiều diễn giả là những doanh nhân tên tuổi. Buổi giao lưu này đã trở nên sôi động, không đủ thời gian với những câu hỏi liên tục mà các doanh nhân khởi nghiệp và các bạn sinh viên gửi đến ngài Philipp Rösler.

Mở đầu buổi talkshow, nhà báo Lê Thế Chữ – tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết: Tuy vừa trải qua đại dịch Covid 19 nặng nề nhưng các dự án tham gia Tuổi Trẻ Start-Up Award 2023 tăng cả về chất và lượng. Số lượng dự án không chỉ đến từ các doanh nghiệp mới startup mà còn đến từ nhữngdoanh nghiệp đã đi vào vận hành. Các dự án tham gia cuộc thi không chỉ đến từ các bạn trẻ sống trong nước mà còn đến từ các bạn trẻ sống ở nước ngoài , lẫn những người nước ngoài sống tại Việt Nam.

Nói với các bạn trẻ tham gia talkshow, PGS TS Vũ Hải Quân –  giám đốc Đại học Quốc gia – trưởng Ban chỉ đạo phát triển Startup TP.HCM khuyến khích giới trẻ,  sinh viên luôn có tư duy đổi mới và sáng tạo trong đời sống công nghệ luôn thay đổi nhanh chóng như hôm nay. Ông đánh giá Tuổi Trẻ Start-Up Award là một sân chơi sáng tạo đến từ một tờ báo sáng tạo và chương trình là một kết nối sáng tạo cho những tư duy sáng tạo.

Bài học kinh nghiệm từ những doanh nhân thành đạt

Buổi talkshow đã khởi động với những vị khách mời tên tuổi là những doanh nhân thành đạt như: ông Phạm Phú Ngọc Trai – chủ tịch sáng lập GIBC; ông Don Lam – tổng giám đốc VinaCapital; bà Nguyễn Thị Diệu Hằng – CEO BSSC; ông Lê Yên Thanh – Forbes Under 30, nhà sáng lập, CEO ứng dụng BusMap; bà Linh Phạm – Founder và CEO Logivan.

Doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai cho biết những nghiên cứu của thế giới từ những kinh nghiệm thất bại trong kinh doanh đã đúc kết: Có bốn năng lực hình thành khả năng lãnh đạo doanh nghiệp thành công là  năng lực sử dụng công nghệ trong quản trị doanh nghiệp , năng lực gắn kết các mối liên kết, quan hệ trong điều hành doanh nghiệp, năng lực tầm nhìn cho doanh nghiệp, năng lực đưa ra  sáng kiến cho doanh nghiệp. Các nghiên cứu chứng minh không một ai giỏi hết bốn năng lực lãnh đạo này, hãy biết thế mạnh của mình để có sự  thành công và phát triển doanh nghiệ[ của mình.

Các doanh nhân thành đạt chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp startup và bạn trẻ.

Ông Don Lam thì chia sẻ đầu tư các nhà khởi nghiệp nên đi theo khuynh hướng sản phẩm, sản xuất  xanh và sạch đúng theo xu hướng thế giới. Theo ông, tuy hiện nay các doanh nghiệp nên tập trung vào công nghệ nhưng cần có người giúp mình quản trị doanh nghiệp đồng thời giúp mình huy động vốn.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng thì cho rằng những nhà khởi nghiệp hãy nên tự tin vào bản thân mình chỉ cần mình có sự sáng tạo. Bởi doanh nghiệp càng lớn thì sự thay đổi càng khó, trong khi đó những công ty nhỏ mới mở lại luôn dễ dàng thay đổi linh hoạt để tồn tại, phát triển.

Đông đảo bạn trẻ đang ký tham gia talkshow.

Doanh nhân trẻ Lê Yên Thanh thì chia sẻ mình khởi nghiệp được bảy năm thì có đến ba  năm thất bại liên tiếp. Phải đến năm thứ tư, sau thất bại rút kinh nghiệp mới giúp mình thành công. Kinh nghiệm anh Yên Thanh chia sẻ là phải tập trung vào sản phẩm. Bởi khi kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp sẽ cắt giảm những yếu tố bên ngoài, tập trung vô giá trị cốt lõi giúp  cắt giảm chi phí.

Bà Linh Phạm cho biết thực tế  trong thời gian kinh tế khó khăn vừa qua xảy ra tình trạng cá lớn nuốt cá bé, các công ty vận tải nhỏ có 5-10 phải bán xe hoặc phải chạy thuê cho các công ty lớn. Chính nhờ công nghệ Logivan đã giúp kết nối các chủ hàng với các chủ xe để giảm lượng xe quay đầu xe rỗng, giúp các công ty vận tải lẫn các chủ hàng giảm chi phí, vượt qua khó khăn.  Theo bà Linh Phạm, khi có ý tưởng kinh doanh nào đó mình phải tìm hiểu có thể làm được nó hay không với số tiền nhỏ nhất mới có thể có sự thành công.

Sôi động cùng diễn giả Philipp Rösler

Tham gia talkshow “Cảm hứng khởi nghiệp 2023”, ngài Philipp Rösler đã tự giới thiệu về nguồn gốc Việt Nam của mình. Ông chia sẻ: “Sẽ có rất nhiều khủng hoảng trong đời sống của mình cho dù là trong vấn đề cá nhân hay kinh doanh, nhưng hãy giữ tinh thần là mình vấp ngã thì hãy quyết đứng dậy để vượt qua. Như thế giới rơi vào cơn đại dịch covid, thế giới đã không đầu hàng, đã có những chuyên gia, nhà đầu tư quyết tâm tìm ra vacxin để đánh bại covid. Và thành công để tìm ra vacxin chống covid không phải là những công ty dược to lớn mà là những công ty dược nhỏ. Thế giới hôm nay không phải là cá lớn nuốt cá bé mà là con cá nào nhanh sẽ ăn những con cá chậm, như công ty nào đưa ra vacxin covid sớm nhất thì sẽ là công ty thành công nhất. Trong khủng hoảng sẽ có những cơ hội cho những công ty nhỏ linh hoạt, sáng tạo. Hãy biến ý tưởng thành hiện thực”.

Từ trái qua, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ, ngài Philipp Rösler , doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai và Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Trương Minh Tước Nguyên trao giải thưởng đặc biệt Tuổi Trẻ Start-Up Award 2023 cho anh HỒ Minh Đức (đeo vòng hoa cổ).

Sau phần tự giới thiệu, ngay lập tức đã có rất nhiều câu hỏi của các doanh nhân trong nước, doanh nhân Việt kiều và các bạn sinh viên dồn dập gửi đến ngài Philipp Rösler. Trả lời câu hỏi về việc làm sao bảo hộ những ý tưởng kinh doanh tốt của một doanh nghiệp trong nước, ông cho biết: “Ở Đức có các cơ quan,các bộ điều lệ ở cấp độ quốc gia, quốc tế để bảo vệ các mô hình kinh doanh, cho dù không thể bảo hộ hoàn toàn. Thực tế thì không thể bảo vệ một ý tưởng kinh doanh hay vì nó dễ bị sao chép, cách tốt nhất thì mình phải nhanh hơn người khác. Khi người ta sao chép mình thì mình đã có ý tưởng khác để đối thủ cạnh tranh không thể bắt kịp mình”.

Có nhiều doanh nghiệp đã hỏi ngài Philipp Rösler về việc làm sao để quảng bá ý tưởng kinh doanh, khả năng kinh doanh của mình ra với thế giới, đồng thời đặt thẳng yêu cầu nhờ ông hỗ trợ, kết nối. Với những yêu cầu này ngài Philipp Rösler đã gợi ý cho các doanh nghiệp tìm đến các lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài để được giúp đỡ, hay tham gia các hội chợ thương mại để tìm các kết nối, hoặc tìm đến các bộ, ngành của các chính phủ hay các tổ chức quốc tế để được hỗ trợ. Ông cũng khuyến cáo các doanh nghiệp khi ra nước ngoài khởi nghiệp ngoài vượt qua rào cản ngôn ngữ, cần phải nghiên cứu kỹ thị trường và tìm hiểu các hiệp định thương mại quôc tế đã có giữa nước mình với nước muốn đến để có được hiệu quả mong muốn.

Một doanh nhân đặt câu hỏi cho ngài Philipp Rösler

Ngài Philipp Rösler đánh giá cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam hãy tự hào và tự tin rằng mình thông minh, sáng tạo không thua kém bất kỳ nơi nào trên thế giới. Việt Nam còn có lợi thế là có một thị trường to lớn đến 100 triệu dân, đó là một sự hấp dẫn rất lớn để thu hút bất kỳ nhà đầu tư nào trên thế giới khi mình kêu gọi vốn nước ngoài cho dự án của mình.

Trả lời các bạn sinh viên về kinh nghiệm tư duy sáng tạo và vượt qua thất bại, ngài Philipp Rösler nói: “Mình có tư tưởng cởi mỡ sẵn sàng học hỏi tiếp thu thì đó chính là bắt đầu của tư duy sáng tạo, đổi mới. Tuy nhiên có ý tưởng sáng tạo, song còn phải xem xét xem ý tưởng đó có thành công trong thực tế hay không. Còn thì ai cũng có nỗi sợ thất bại, cũng có giai đoạn khủng hoảng cả. Nhưng có khi chính nỗi sợ lại giúp mình có động lực để sáng tạo hơn để tìm cách thoát khỏi thất bại, khủng hoảng”

BÌNH MINH – ảnh: QUANG ĐỊNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *