Một câu chuyện tình yêu và thân phận với rất nhiều éo le và triết lý mang tên Mùi của hạnh phúc đã mở màn mùa diễn kịch đầu tiên của Sân khấu Hoàng Thanh theo định hướng hoạt động mới của nơi này. Vở kịch tràn đầy hơi thở thanh xuân cùng sự hướng thiện thật đẹp cho tuổi trẻ.
Lấy tên là “Mùi của hạnh phúc” nên xuyên suốt vở kịch các nhân vật nghe được rất nhiều mùi ở nhiều ngôi nhà, nhiều cảnh huống khác nhau. Đó có khi là một mùi thanh tân, trong trẻo, ngọt ngào ở một phòng trọ nghèo nàn của đôi trai gái hết lòng yêu nhau. Đó có khi là mùi tanh nồng trong một căn hộ cao cấp của một cặp đôi lệch pha tuổi tác đang vụng trộm. Hoặc có khi là một mùi ẩm mốc ở một căn biệt thự sang trọng của một đôi vợ chồng lớn tuổi hôn nhân nguội lạnh, ẩn chứa nhiều vấn đề…
Đi theo những loại mùi tình yêu như thế, khán giả xem Mùi của hạnh phúc được vở diễn dẫn dắt đi đến cảnh tình khốn khổ của một cô gái mắc bệnh hiểm nghèo, chỉ có thể bán thân lấy tiền chạy chữa mới thoát khỏi cái chết. Đi theo bi kịch của cô gái là bi kịch của anh người yêu và cô bạn thân khi đối mặt với dối lừa, phản bội. Kéo theo đó là bi kịch gia đình của người đàn ông giàu có đã bỏ tiền cho cô như nuôi một sugar baby.
Bi kịch chồng bi kịch. Bi kịch đan xen bi kịch. Người nghèo khóc và không hạnh phúc vì đồng tiền. Song người giàu cũng khóc và không hạnh phúc vì đồng tiền. Vậy làm sao để có thể có tiếng cười và hạnh phúc dù có tiền hay không có tiền? Vở diễn Mùi của hạnh phúc đã gửi đến cho người xem những triết lý đáng quý về tình yêu và hạnh phúc. Đó là “đừng đem dối trá vào tình yêu”,có gì phải nói thật với nhau; và “đừng xây những nấm mồ trong hôn nhân”, có chuyện gì lỗi lầm của nhau cần nên nói ra để bao dung, chia sẻ, không nên để bụng như là xây những nấm mồ chôn hạnh phúc. Và rằng tình yêu, hôn nhân, sắc đẹp, tuổi trẻ rồi đều sẽ cũ đi, hãy thường xuyên chăm sóc, hâm nóng cho tình yêu, hôn nhân, đừng để nó phủ bụi, nguôi lạnh.
Những triết lý sống nói trên, tưởng rằng sẽ chỉ là những câu lý thuyết giáo điều hô khẩu hiệu, song, với những tình huống kịch cao trào trong Mùi của hạnh phúc, khán giả đã vỗ tay mỗi khi nhân vật thoại một câu mang tính triết đời như thế. Đây cũng là một điểm cộng cho Mùi của hạnh phúc khi đưa lên sân khấu một vở kịch lời thoại có nhiều chất văn học. Đây là một điều đang hiếm và mất dần ở các sân khấu kịch hiện nay vốn đang bị tấu hài hóa, bình dân hóa lời thoại kịch.
Vở kịch còn mang lại cho giới trẻ sự hướng thiện thật đẹp. Với hiện thực xã hội đang ngày càng chạy theo vật chất, hiện tượng một bộ phận bạn gái trẻ chủ động trở thành sugar baby, tức người tình của những người đàn ông đáng tuổi cha chú mình – sugar dady để lấy tiền tiêu xài mà không hề biết xấu hổ, không màng hậu quả. Vở kịch miêu tả những trả giá đau đớn, nội tâm đau khổ của cô gái vì hoàn cảnh phải bán thân cứu mạng, cùng hành trình sám hối, đi tìm sự gột rửa cho nhân phẩm, tâm hồn của mình.
Vào vai nữ chính Bạch Vân, Thúy Diễm – một gương mặt quen thuộc với phim truyền hình, song lại là gương mặt mới toanh ở sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh đã có sự hợp vai với vẻ đẹp mong manh cần sự che chở. Thúy Diễm đã nỗ lực hết mình để diễn một vai rất nặng, xuất hiện xuyên suốt vở kịch, với nhiều tình huống cao trào. Cô là nhân tố mới mà sân khấu Hoàng Thái Thanh đưa vào đội hình của mình với mong muốn nơi này ngày càng có nhiều khán giả trẻ hơn nữa.
Cùng với Thúy Diễm, Mùi của hạnh phúc còn xuất hiện nhiều gương mặt trẻ như Đoàn Minh Tài, Hoài Thương, Ngọc Duyên, Kỳ Thảo, Nguyễn Long, Thế Hải, Tấn Đạt, Khánh Vân, Hoàng Trí… Các diễn viên trẻ đã diễn hết mình , duyên dáng, đem lại nhiều tiếng cười cho khán giả. Trong đó, Đoàn Minh Tài ngày càng vững vàng, ngọt ngào khi vào vai nam chính trên sân khấu Hoàng Thái Thanh, hút được khán giả. Còn Hoài Thương ở vở diễn này trở nên thật sáng sân khấu với lối diễn thật tự nhiên, diễn như không diễn lấy được nhiều cảm tình của người xem khi vào vai cô bạn thân khó đoán của hai nhân vật chính.
Làm nền, nâng các diễn viên trẻ lên, đẩy vở kịch lên cao trào là diễn xuất vững vàng của hai nghệ sĩ bậc thầy Ái Như, Thành Hội đem lại nhiều nước mắt, nụ cười cho khán giả.
Mùi của hạnh phúc , tác giả kịch bản Hoàng Thái Thanh – Nguyễn Thị Minh Ngọc dựa trên ý tưởng gốc của Mai Thịnh – Ngọc Mẫn, đạo diễnThành Hội, thiết kế sân khấu Kim B, bắt đầu công diễn từ tối 10-9 và sẽ kết thúc mùa diễn vào cuối tháng 11-2022. Theo định hướng mới của sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh, kể từ vở diễn Mùi của hạnh phúc, mỗi vở diễn của sân khấu này sẽ chỉ diễn một mùa duy nhất, sau mùa diễn sẽ không xếp lịch diễn lại nữa.
HÒA BÌNH