LTS: Một trong những cuốn sách Tết đang hot nhất hiện nay là tác phẩm Đu trend cùng người nổi tiếng của nhà báo Lê Công Sơn đang công tác tại Báo Thanh Niên. Nhà văn Lê Minh Quốc đã có bài viết giới thiệu quyển sách hot này đến với bạn đọc. Nhà văn Lê Minh Quốc viết:
CHO HƯƠNG ĐỪNG BAY ĐI
1. Khi trò chuyện với nhiều đồng nghiệp nhà báo, dù câu chuyện có “ca kê dê ngỗng” đề tài gì, rồi cũng có lúc quay về với nghề. Ở đó, tôi đã nghe nhiều tiếng thở dài, ca thán về nghề bởi trong thời đại công nghệ thông tin đã phát triển như vũ bão, ngày càng dồn dập. Mở mắt ra đã ùa vào mắt, dội với tai với biết bao chuyện trên trời dưới đất. Chỉ cần chiếc điện thoại trên tay, đã có thể “thâu tóm” cả thế giới. Vậy có ai còn nhẩn nha, cầm lấy tờ báo để đọc? Tất nhiên là…
Mà thôi, đây là câu chuyện dài. Xin không bàn tới. Thế nhưng, với các đồng nghiệp, khi tôi hỏi: “Nếu có kiếp sau, có còn đeo đuổi nghề báo hay không?”. Lạ thay, trăm người như một đều đồng thanh: “Có”. Một tiếng “có” hết sức quả quyết.
Tại sao người ta lại mê nghề báo?
Không dám lý luận vòng vèo, tôi chỉ xin thưa, khi độc giả cầm trên tay quyển sách Đu trend với người nổi tiếng (NXB TH TP.HCM-2023) của nhà báo Lê Công Sơn ắt bạn đã tự tìm ra câu trả lời. Theo tôi, hấp dẫn của nghề báo còn chính là do nhà báo có điều kiện đi khắp nơi, đến nhiều chốn và tất nhiên, họ cũng dễ dàng được gặp người của công chúng. Không những thế, nhiều niềm vui, góc khuất u buồn của người nổi tiếng ấy, nhà báo cũng có thể tiếp cận nhằm cung cấp thông tin cho bạn đọc. Trường hợp nhà báo Lê Công Sơn là một thí dụ.
2. Từ một cậu học trò ở miền quê Quế Sơn (Quảng Nam), nơi vốn “nổi tiếng” là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, Lê Công Sơn đã phấn đấu tự vượt qua chính mình bằng con đường học. Đúng thế, nói như chí sĩ Phan Châu Trinh, nếu muốn “đổi đời” thì “chi bằng học”. Là một học sinh giỏi ở vùng quê nghèo, anh thi đậu vào Trường Đại học Khoa học Xã hội-Nhân văn, sau khi tốt nghiệp, anh đã chính thức dấn thân vào nghề báo. Từ đó đến nay, đã vài chục năm lăn lộn trong nghề, và tập sách này là một phần trong vốn liếng của nghề mà anh đã thu góp được.
Một khi nói đến “người nổi tiếng”, đa phần công chúng đều thừa biết: không dễ dàng đến gần với với họ, nếu có, thường là xã giao, chứ khó có thể nghe họ trải lòng tâm tìm tình về đời sống riêng tư, về hoạt động chuyên môn… Ngay cả tôi, vốn là người đã theo nghề báo từ lúc đầu xanh phơi phới cho đến khi “rửa tay gác bút” cũng phải thừa nhận điều này.
Vậy, tại sao nhiều nhà báo, trong đó có Lê Công Sơn lại tiếp cận được?
Theo tôi, trước hết nhà báo đó, phải tạo ra sự tin cậy. Rằng, khai thác thông tin là để phục vụ bạn đọc, chứ không gì khác. Phải tạo ra lòng tin. Không riêng gì người nổi tiếng, ngay cả người bình thường cũng thế, một khi đã tin thì họ mới mở lòng. Lê Công Sơn là người quảng giao, anh đã làm được điều ấy bằng cái tâm của anh. Tất nhiên, nhiều nhà báo khác cũng thế.
Nhưng ở đây, không chỉ có thế. Mối thân thiết của anh với người nổi tiếng không là “quan hệ thời vụ”, mà, có tính cách lâu dài. Nói như thế, vì khi tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện vì học sinh nghèo hiếu học cho vùng đất Quế Sơn đã cưu mang từ thời thơ ấu, anh đã “kết nối”, kêu gọi được nhiều người nổi tiếng đồng hành. Nhờ thế, công việc chung giữa anh với người nổi tiếng càng hiểu nhau hơn. Âu cũng là lợi thế khi phỏng vấn hoặc viết chân dung nhân vật.
3. Vâng, viết chân dung nhân vật nói chung, không bao giờ là điều dễ dàng. Trong một bài báo, với chừng ấy từ (theo quy định của tòa soạn), nhà báo không thể chuyển tải hết mọi thông tin mà họ đang/ đã có. Chỉ có thể là một “lát cắt” trong giai đoạn làm nghề của nhân vật.
Đu trend với người nổi tiếng là một tập sách như thế. Vì thế, nhà báo Lê Công Sơn không tác nghiệp bằng cách “khai thác” toàn bộ cuộc đời, anh biết chọn lọc lấy những gì mà bạn đọc quan tâm nhất về nhân vật đó. Vì rằng, trong cuộc đời mỗi người, năm tháng đi qua với biết bao câu chuyện, nhưng rồi có những chuyện lưu lại mãi trong ký ức. Khó quên. Vì thế, không chỉ “người trong cuộc” mà ngay cả người ngoài cũng ít nhiều quan tâm, biết đến. Tập sách của nhà báo Lê Công Sơn là viết theo hướng này.
Nhìn chung, với 33 nhân vật nổi tiếng được chọn trong tập sách, “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”, điều mà tôi và chúng ta tâm đắc nhất vẫn là tấm gương, nghị lực phấn đấu của họ để từ một người bình thường trở thành người của công chúng. Bài học này, mỗi người một sắc màu, không phải ai cũng giống ai nhưng vẫn có “mẫu số chung”, trước hết vẫn là lòng yêu nghề, tận hiến với nghề, vượt qua nghịch cảnh, yêu lấy cuộc đời này. Nói một cách hình tượng thì những con người nổi tiếng ấy như con ong cần mẫn, siêng năng góp mật cho Đời.
Với ý nghĩa này, khi chọn thời điểm in ấn và phát hành tập sách Đu trend với người nổi tiếng, nhà báo Lê Công Sơn và NXB TH TP.HCM quyết định chọn lấy Mùa Xuân, Mùa của Tình Yêu. Mùa của Hội Ngộ. Mùa của Đoàn Tụ. Mùa khởi đầu của vạn sự Tốt Đẹp. Và, chúng ta đồng tình rằng, đây cũng là thời điểm nhìn lại một năm đã qua và xác định hướng đi trong năm mới. Vậy, những gì mà người nổi tiếng tâm tình, chia sẻ trong tập sách này cũng góp một tiếng nói tích cực dành chung cho mọi người.
Từ suy nghĩ này, tôi mạo muội có thể xem đây như một loại Sách Tết, một nhành mai vàng thắm, một cành đào tươi son mà nhà báo Lê Công Sơn trân trọng gửi đến mọi người. Như một món quà Mùa Xuân. Như một cách lưu giữ “cho hương đừng bay đi” (Xuân Diệu), từ những người nổi tiếng. Vì lẽ đó, tôi thành tâm giới thiệu Đu trend với người nổi tiếng cùng bạn đọc xa gần.
LÊ MINH QUỐC
Nhà báo – nhà văn Lê Công Sơn, bút danh: Quỳnh Trân, nguyên quán: Quế Sơn, Quảng Nam, công tác tại Báo Thanh Niên từ năm 1995 đến nay. Anh là hi viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Luật gia Việt Nam, hội viên Hội Sân khấu TP.HCM, hội viên Hội Nhà văn TP.HCM. Anh từng nhận: Giải thưởng báo chí của TƯ Đoàn và Hội Nhà báo Việt Nam, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam (2020). Các tác phẩm đã xuất bản: Răng mà thương mà nhớ (tạp văn, NXB Hội Nhà văn 2018), Loanh quanh Sài Gòn (khảo cứu, NXB Tổng hợp TP.HCM 2020, tái bản 2021), Đu trend người nổi tiếng (chân dung nhân vật, NXB Tổng hợp 2023).